Sốc, nhiễm độc vì siêu thấm
Với tính năng mỏng, nhỏ gọn, thấm hút tốt, không bị trào ra ngoài nên băng vệ sinh (BVS) siêu thấm, tampon siêu thấm (BVS dùng trong âm đạo) rất được phụ nữ ưa chuộng. Nhưng trên thế giới đã ghi nhận trường hợp cô gái 14 tuổi ở Anh lần đầu tiên dùng tampon siêu thấm đã gặp hội chứng sốc và tử vong. Ở Việt Nam cũng đã có một số ca nhập viện trong tình trạng nhức đầu, chóng mặt, nôn mửa, đau cơ, đau họng, sốt cao, “vùng kín” sưng, có mùi hôi… vì hội chứng sốc độc tố.
Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA Hoa Kỳ), các sản phẩm siêu thấm thấm hút rất tốt, loại tampon càng được ưa chuộng vì được cuộn nén nhỏ để đặt sâu vào âm đạo để thấm hút, rất tiện khi chơi thể thao, bơi lội. Nhưng tampon đã ít nhiều gây nên hội chứng sốc nhiễm độc TSS (chứng nhiễm độc toàn thân) do vi khuẩn gây ra. Phụ nữ trong kỳ kinh rất nhạy cảm, nhiều khi bận rộn là để quên, khiến tampon thấm hút quá tải trong môi trường ẩm ướt, kéo theo hàng loạt bệnh nhiễm trùng, gây ra hội chứng sốc nhiễm độc tố (bỗng dưng sốt cao, da nổi ban, nôn mửa, tiêu chảy, nhức đầu, đau nhức cơ bắp, trụy tim, choáng váng, nôn mửa, tụt huyết áp, kiệt sức…), nếu chậm tới bệnh viện là có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Theo các chuyên gia y tế, các sản phẩm siêu thấm tác dụng chính là hút hết dịch kinh nguyệt, nhưng “tác dụng phụ” là hút luôn những chất dịch giữ ẩm tạo môi trường kháng khuẩn cho âm đạo – nơi rất nhiều vi khuẩn lành tính sống nhờ môi trường thông khí, khi đường thông khí bị bít, các vi khuẩn yếm khí sẽ phát triển mạnh và gây bệnh.
Bạn chỉ nên dùng 3 - 4 giờ là phải thay BVS để tránh nhiễm khuẩn. Ảnh minh họa
Né thơm, tránh khử mùi, hạn chế dùng tampon
Một số loại BVS có chất khử mùi khiến phụ nữ bị ngứa, khó chịu và luôn cảm giác bị ẩm ướt. Đó là BVS có chứa hóa chất hoặc thảo mộc để tạo mùi thơm dễ chịu. Nhiều nghiên cứu cho thấy BVS có mùi thơm độc hại hơn nhiều so với các loại BVS không có mùi, bởi hóa chất độc hại như benzen, este... làm tăng khả năng sinh sôi vi khuẩn gây hăm da, đỏ da, dị ứng, kích ứng… ở những người nhạy cảm, ảnh hưởng tới sức khỏe "cô bé", thậm chí gây vô sinh.
Theo TS. BS Thu Hà (Bệnh viện Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh), các loại BVS vẫn có thể gặp nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm nấm nếu dùng không đúng cách. Không nên dùng một BVS quá lâu, vì môi trường âm đạo rất tốt cho vi khuẩn, vi nấm phát sinh. Để BVS lâu bao nhiêu, lượng vi khuẩn, vi nấm dễ gây nhiễm trùng, nhiễm độc sinh sôi càng nhiều.
BVS siêu thấm chỉ nên dùng 3 - 4 giờ là phải thay để tránh nhiễm khuẩn. Hạn chế dùng BVS có mùi thơm vì “cô bé” rất nhạy cảm, tiếp xúc mùi thơm hóa chất dễ bị ngứa, viêm âm đạo… Hoặc buộc phải dùng thì lưu ý quan sát phản ứng của cơ thể xem có thích nghi không, khi có dấu hiệu phản ứng (ngứa, rát, mẩn đỏ…) thì nên thôi dùng và vệ sinh sạch sẽ ngay.
Theo BS Thanh Bình (BV Phụ sản Hà Nội), thị trường BVS hiện nay có rất nhiều loại BVS (siêu thấm, siêu mỏng, lưới hút thấm nhanh, tampon...), mua BVS nội hay ngoại cũng cần lưu ý chọn sản phẩm có chứng nhận y tế. Chất lượng BVS phụ thuộc vào quy trình sản xuất đúng quy cách theo tiêu chuẩn y tế, chứ không phải do độ dày, mỏng. Không nên dùng BVS kém chất lượng vì không đảm bảo vệ sinh, khử trùng, có khi còn bị nhiễm bẩn thêm, gây nhiễm trùng ngoài da, nhiễm trùng ngược. Chưa kể nếu dùng hóa chất tẩy trắng càng dễ bị viêm nhiễm, nấm ngứa, tiểu gắt, ra nhiều khí hư hôi màu xanh hoặc vàng, nặng bụng dưới, đau khi giao hợp…
Các bác sĩ khuyến cáo, với tampon siêu thấm người bình thường nên hạn chế dùng. Người có tiền sử sốc độc tố không nên dùng tampon để tránh hậu quả đáng tiếc. Đặc biệt, các thiếu nữ còn màng trinh thì không nên dùng tampon vì có thể làm rách màng trinh, tổn thương niêm mạc âm đạo.
Dùng BVS nếu thấy dấu hiệu lạ như bông vón cục, băng quăn nhiều nếp sau khi dùng, sau 1-2 giờ dùng có mùi hôi khó chịu… cần bỏ ngay và kiểm tra lại nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
Gói BVS đã bóc ra dễ bị vi khuẩn xâm nhập, cần cất nơi khô thoáng, sạch. Không để BVS trong nhà tắm vì dễ nhiễm vi khuẩn, ẩm, ô nhiễm nấm mốc. BVS nhiễm ẩm không nên dùng.
Theo nguồn: http://afamily.vn/
|